Đến nay, ngành nhựa Việt Nam có khoảng 2 ngàn doanh nghiệp, chừng 84% số đơn vị sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ. Thuộc các ngành sản xuất bao bì nhựa, nhựa gia dụng, nhựa vật liệu xây dựng, nhựa kỹ thuật… Sản phẩm nhựa của Việt Nam được nói hiện đang có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu, mỗi năm ngành nhựa cần nhập khẩu hàng triệu tấn các loại nguyên liệu như PE, PP, PS… Cụ thể về nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp, ông Lưu Bội Oanh, giám đốc Công ty nhựa Tường Hồng cho biết như sau:
- Các công ty nhập khẩu hạt nhựa từ nước ngoài, đem về bán trên thị trường. Còn chúng tôi thì mua lại nguyên liệu từ những công ty này. Việt Nam không có tạo ra hạt nhựa, chỉ là tái chế từ hàng phế phẩm. Hạt nhựa nguyên chất là bắt buộc phải nhập từ nước ngoài.
Khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 15-20% nhu cầu nguyên phụ liệu. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn 70% giá thành sản phẩm. Nếu tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu còn kéo dài, tất sẽ có những tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất, và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Xét giữa mức xuất khẩu và nhập khẩu, cán cân thương mại của ngành nhựa tỏ ra mất cân đối. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam, thực trạng có những biểu hiện là:
- Nhập khẩu thì nhiều lắm. Doanh số xuất khẩu thì bằng khoảng 1/3 so với doanh số nhập khẩu nguyên liệu. Hàng năm, nhập khẩu khoảng chừng 4 tỷ USD nguyên liệu.
- Năm ngoái có hơn 400 công ty nhựa, tương đương 20% tổng số doanh nghiệp toàn ngành, đã âm thầm đóng cửa. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là do giá nguyên liệu đột ngột tăng cao.